đảng phái

Đây là bài tham luận thứ 10 trong tập hợp những bài Luận Cương Liên Bang (Federalist Papers - Alexander Hamilton, James Madison, John Jay). Qua bài tham luận này, Madison chỉ ra rằng, việc đảng phái ra đời là bất khả kháng - "Nguyên nhân tiềm tàng của đảng phái như vậy đã có sẵn ngay trong bản tính của con người". Nguyên nhân hình thành các đảng phái, họ hoạt động với mục đích và phục vụ quyền lợi cho ai, những nguy cơ từ việc các đảng phái đối đầu nhau và cách giải quyết và kiểm soát là gì.


Thứ năm, ngày 22 tháng 11 năm 1787 *
[James Madison]

Trong tổng số những lợi điểm mà một liên bang được tổ chức chặt chẽ sẽ đem lại một lợi điểm đáng cho chúng ta nhận định rõ ràng là chính thể liên bang có khuynh hướng diệt trừ và kiềm chế những bè phái bạo động. Những người chủ trương thành lập chính phủ do nhân dân thường hay cảm thấy lo ngại nhất khi nghĩ đến một Chính phủ lâm vào vòng thống trị của bè phái. Vì vậy, người ta muốn tìm một giải pháp không trái ngược với các nguyên tắc của một Chính phủ do nhân dân nhưng có thể ngăn ngừa được tật bệnh bè phái thống trị trong Chính phủ. Tình trạng thiếu ổn định, thiếu công bằng hay hỗn độn của các hội đồng dân chúng chính là những căn bệnh hiểm nghèo đã giết chết nhiều Chính phủ của nhân dân và đã được những kẻ thù của tự do dùng làm những đầu đề có hiệu lực nhất để tuyên truyền cho họ. Những sự cải cách quý giá mà các hiến pháp của Mỹ đã thực hiện được từ trước tới nay, tuy là không đáng kể cho mọi người ca tụng thái quá nhưng cũng đủ ngăn cản có hiệu quả những nguy cơ của một sự thống trị do bè phái, theo ý mong muốn của mọi người. Ở tất cả các nơi, có nhiều người, kể cả những công dân đạo đức và có uy tín nhất, biết phân biệt và quý trọng tự do cá nhân và tự do lập hội, thường vẫn than phiền rằng Chính phủ của chúng ta thiếu ổn định, rằng công ích đã bị lãng quên trong cuộc xung đột của các đảng phái đối lập, rằng nhiều luật lệ đã được quyết định trái ngược lại những quy tắc công lý và quyền hạn của đảng phái thiểu số, do uy lực chênh lệch của đa số chỉ hoạt động tư lợi. Tuy chúng ta mong ước những lời than phiền đó đều là vô căn cứ nhưng thực trạng đã chứng minh những lời than phiền đó quả có một phần đúng sự thật. Nếu chúng ta nhận xét thực trạng một cách chân thật, chúng ta sẽ nhận thấy một số sự rắc rối, phiền phức trong chính thể đã bị người ta đổ tội một cách sai lầm cho nền hành chánh của Chính phủ chúng ta. Nhưng đồng thời chúng ta cũng không thể quy kết cho những nguyên nhân khác về những thất bại nặng nề nhất, những khổ cực cay đắng nhất của chúng ta, nhất là sự bất tín càng ngày càng tăng thêm của dân chúng đối với những hoạt động của chính quyền và mối lo ngại của dân chúng về các quyền tự do cá nhân. Phải công nhận là những sai lầm, khổ cực đó là kết quả của một chính quyền hành chính thiếu ổn định, thiếu công bằng, bị đảng phái thống trị.

Đảng phái, theo ý tôi, có nghĩa là một số công dân, kết tụ với nhau thành một đa số hay một thiểu số trong một tổ chức và hoạt động cùng với nhau vì một khuynh hướng hay vì quyền lợi giống nhau ngược lại với quyền lợi của những công dân khác hay ngược lại quyền lợi của cộng đồng”.

Có hai giải pháp để cứu vãn kết quả tai hại của đảng phái: một giải pháp bằng cách diệt trừ nguyên nhân của đảng phái; và một giải pháp bằng cách kiềm chế ảnh hưởng của đảng phái.

Diệt trừ nguyên nhân của đảng phái thì có hai cách: một là diệt trừ quyền tự do cho phép đảng phái thành lập, hai là làm cho tất cả các công dân đều có những ý kiến, những khuynh hướng và những quyền lợi giống nhau.
Chúng ta cần nói ngay đó là với giải pháp đầu tiên, liều thuốc chữa lại còn tai hại hơn cả căn bệnh. Quyền tự do đối với đảng phái thật chẳng khác gì không khí đối với lửa, không có không khí thì lửa sẽ tắt ngay. Nhưng tự do là một sự cần thiết cho hoạt động chính trị, bãi bỏ tự do vì tự do thuận tiện hoạt động cho đảng phái thì thật là điên rồ không kém gì diệt trừ không khí vì không khí giúp cho lửa tàn phá nhưng lại quên là không khí rất cần thiết cho đời sống của muôn vật.

Giải pháp thứ hai thiếu thực tiễn y như giải pháp thứ nhất thiếu khôn ngoan này. Trong khi lý trí của con người vẫn còn có thể sai lầm mãi mãi được và trong khi con người có quyền tự do để sử dụng lý trí của mình thì con người vẫn phải có nhiều ý kiến khác nhau, mỗi người mỗi ý kiến. Trong khi lý trí và lòng tự ái của con người có liên hệ mật thiết với nhau thì ý kiến và tình cảm của con người sẽ phải phụ thuộc theo ý kiến của mỗi người. Vì con người có tài năng khác nhau và đó chính là nguyên nhân của quyền tư hữu của con người nên không thể có được một sự đồng nhất về quyền lợi cho mọi người. Bảo vệ những tài năng của cá nhân chính là mục tiêu của Chính phủ. Nhưng vì tài năng của con người khác nhau và chênh lệch nhau nên tài sản của mỗi người cũng khác nhau và việc bảo vệ tài năng khác nhau và chênh lệch nhau của mọi người tức là sẽ phải đi tới kết quả công nhận có những tài sản khác nhau và chênh lệch nhau. Tính chất khác nhau và chênh lệch nhau của tài sản có ảnh hưởng tới tình cảm và ý kiến của người có tài sản, và vì vậy xã hội đã bị phân chia thành nhiều đảng phái khác nhau, nhiều quyền lợi khác nhau.

Nguyên nhân tiềm tàng của đảng phái như vậy đã có sẵn ngay trong bản tính của con người và chúng ta thấy ảnh hưởng của nguyên nhân đó ngay trong hoạt động khác nhau của các đảng phái, tuỳ theo hoàn cảnh khác nhau của xã hội. Những ý kiến khác nhau về tôn giáo, lòng quyến luyến đối với những lãnh tụ khác nhau, sự tranh giành địa vị và quyền lực là những điều đã phân chia nhân loại thành đảng phái, đảng phái này thù ghét, căm hờn đảng phái nọ khiến cho họ mong muốn đàn áp nhau hơn là hợp tác với nhau để phục vụ công ích. Lòng căm thù lẫn nhau giữa các đảng phái thật là trầm trọng đến nỗi dù không có những lý do quan trọng mà chỉ cần những cơ hội nhỏ cũng đủ để cho họ xung đột nhau dữ dội. Nhưng dù sao thì nguyên nhân thông thường nhất và trường cửu nhất đã chia rẽ các đảng phái vẫn là sự phân phối khác nhau và không đồng đều về các nguồn tài sản. Những người có tư sản và những người không có tư sản từ xưa tới nay vẫn chia ra thành những đảng phái có quyền lợi khác nhau. Quyền lợi của người có đất, quyền lợi của người có xưởng máy chế tạo, quyền lợi của người buôn bán, quyền lợi của người có tiền bạc và những quyền lợi khác đã nảy nở, bành trướng trong các xã hội văn minh và chia nhân loại thành những giai cấp khác nhau, hành động vì những tình cảm, những ý kiến khác nhau. Sự quy định những quyền lợi khác nhau đó chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của luật pháp hiện đại và cố nhiên phải liên quan đến tinh thần phe đảng bè phái trong những hoạt động thông thường của guồng máy Chính phủ vậy.

Không có một người nào có quyền vừa làm tài phán lại vừa đại diện cho quyền lợi của mình bởi vì quyền lợi sẽ làm cho trí xét đoán của người đó mất phần phân minh và làm cho lòng thanh liêm của người đó mất phần toàn vẹn. Và tuy lý trí của một nhóm người là hay hơn hoặc ít nhất cũng bằng lý trí của một người nhưng một nhóm người cũng không có quyền vừa làm tài phán lại vừa đại diện cho quyền lợi của nhóm. Thế mà từ xưa tới nay, biết bao đạo luật quan trọng đã định đoạt quyền hạn của những nhóm người rất lớn trong khi đáng lẽ phải định đoạt quyền hạn của cá nhân mới hợp lý. Biết bao nhóm người lập pháp đã vừa đại diện cho quyền lợi của nhóm lại vừa làm ra những đạo luật. Chẳng hạn, trong trường hợp dự thảo một đạo luật cho tư nhân vay mượn, những người chủ nợ sẽ đứng sang một phe và những người vay mượn sẽ đứng sang một phe khác. Công lý là làm thế nào để giữ được cán cân thăng bằng giữa hai phe đó. Nhưng trong thực tế, một trong hai phe sẽ được quyền làm tài phán để xét xử và phe đông nhất, mạnh nhất sẽ thắng thế. Một thí dụ khác: có nên khuyến khích kỹ nghệ trong nước bằng cách hạn chế nhập cảng hàng hóa ngoại quốc hay không? Và hạn chế nhiều hay ít? Đó là một vấn đề mà quyết định của nhóm địa chủ phải khác với quyết định của nhóm chủ xưởng máy sản xuất, và quyết định của cả hai nhóm sẽ không hoàn toàn căn bản trên tinh thần công lý đâu, cũng như không hoàn toàn nhằm mục đích ích quốc lợi dân đâu. Ngay đến vấn đề định đoạt các thứ thuế, một vấn đề cần được giải quyết một cách phân minh và không thiên vị, thế mà chưa chắc đã có lấy một đạo luật nào mà trong đó đảng phái có uy quyền nhất lại không từng mưu toan chà đạp lên tinh thần công lý. Mỗi một xu, một hào nào mà các nhà lập pháp quyết định bắt buộc những tầng lớp hạ cấp của nhân dân phải đóng góp thêm trong thuế tức là một xu hào mà tầng lớp thượng lưu sẽ khỏi phải bỏ tiền túi ra để đóng.

Và chúng ta cũng không nên hy vọng hão huyền là sẽ có những chính trị gia có đầu óc đủ khả năng tìm thấy cách dung hòa những quyền lợi trái ngược đó và bắt buộc các nhóm xung đột nhau phải phục vụ công ích. Những chính trị gia có đầu óc không phải lúc nào cũng nắm được chính quyền để điều khiển quốc gia. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, sự dung hòa các quyền lợi còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện xa xôi khác và trong hoàn cảnh cần phải định đoạt cấp bách để bảo vệ quyền lợi trông thấy trước mắt, đảng phái này sẽ sẵn lòng chà đạp lên đảng phái nọ, gạt bỏ ra ngoài quyền lợi của đảng phái đối địch và luôn thể là gạt bỏ quyền lợi của cộng đồng.

Kết luận, chúng ta nhận thấy là chúng ta không thể tẩy trừ được những nguyên nhân đã gây ra đảng phái, và chúng ta chỉ còn một giải pháp là kiểm soát ảnh hưởng và kết quả của đảng phái.

Trong trường hợp một đảng phái không nắm được đa số, giải pháp chống đảng phái có thể tìm thấy ở ngay trong nguyên tắc cộng hòa, tức là dùng đa số để đánh bại đề nghị nham hiểm của đảng phái thiểu số bằng những thủ tục biểu quyết thông thường. Đảng phái thiểu số có thể làm trì trệ chính quyền, gây hoang mang trong xã hội nhưng nó sẽ không thực hiện được kế hoạch bạo động hoặc che đậy được lòng nham hiểu của nó trong một chính thể xây dựng theo hiến pháp. Nhưng khi một chính đảng đa số lại có tinh thần bè phái thì trong một chính thể dân chủ, chính đảng đa số đó có thể mưu toan hy sinh công ích và quyền lợi của những nhóm khác để bênh vực quyền lợi riêng của nhóm đó. Bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng và quyền lợi riêng của các cá nhân chống lại mưu toan của đảng phái đa số, đồng thời duy trì được tinh thần và hình thức của chính phủ dân chủ, đó chính là một trong những mục tiêu quan trọng mà các công cuộc nghiên cứu của chúng ta cần phải hướng tới.
Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó? Chỉ có hai giải pháp mà thôi. Hoặc là ngăn cản để cho đa số không có quyền lợi riêng của đa số, hoặc là, nếu đa số có quyền lợi riêng, làm thế nào cho đa số không thể thực hiện mưu toan của đa số.

Về vấn đề này, chúng ta nhận thấy rằng trong một chính thể dân chủ thuần túy (hay trực tiếp), tức là một chính thể trong đó một nhóm rất nhỏ công dân hội họp cùng nhau và quản trị chính quyền, chúng ta không thể tìm thấy một phương sách nào để cứu chữa cho căn bệnh đảng phái. Trong chính thể dân chủ thuần tuý, trong hầu hết các trường hợp, đa số dễ có quyền lợi riêng cho đa số và hay có khuynh hướng hy sinh nhóm thiểu số. Vì vậy, trong một chính thể dân chủ thuần tuý, an ninh cá nhân và quyền sở hữu không được bảo đảm chắc chắn, và Chính phủ trong một chính thể dân chủ thuần tuý thường không được thành lập lâu dài và hay bị lật đổ bằng bạo động. Những lý thuyết gia chính trị chủ trương một chính thể dân chủ thuần tuý đã quan niệm một cách sai lầm rằng khi tất cả nhân loại được bình đẳng về quyền chính trị thì tất cả mọi người do đó sẽ hoàn toàn bình đẳng, nghĩa là có những tài sản, những ý kiến, tình cảm giống nhau, đồng nhất.

Trái lại, chính thể cộng hòa, tức là một chính thể trong đó nhân dân được đại diện trong chính quyền theo một hệ thống bầu cử, lại có thể cho thấy một cảnh tượng khác và ra đưa một phương sách để cứu chữa cho căn bệnh đảng phái mà chúng ta đang tìm  kiếm. Chúng ta thử xem xét chính thể dân chủ thuần tuý và chính thể cộng hòa khác nhau như thế nào và rồi chúng ta sẽ thấy phương sách cứu chữa là thế nào, và nhờ ở chính sách liên bang, phương sách đó sẽ có hiệu quả đẹp đẽ như thế nào.

Hai điểm khác nhau quan trọng nhất giữa hai chính thể đó là: Thứ nhất, trong chính thể cộng hòa, nhân dân uỷ quyền Chính phủ cho một số công dân do toàn thể công dân bầu cử; Thứ hai, trong chính thể cộng hòa, uy quyền của Chính phủ bao trùm một số công dân rất lớn trên một phạm vi lãnh thổ rất rộng.

Về điểm thứ nhất, ý kiến của toàn thể công dân được gạn lọc và tổng quát trong chính thể cộng hòa hơn là trong chính thể dân chủ thuần tuý vì phải đưa duyệt qua hội đồng của những người do nhân dân bầu cử, và những người này có một trí khôn ngoan lớn hơn để nhận thức được quyền lợi thực sự của quốc gia vì những người này có một tấm lòng ái quốc và một trí công bằng chân chính để không khi nào làm cho quốc gia bị tổn hại vì những quyền lợi riêng rẽ hoặc nhất thời. Trong một chính thể mà nhân dân được đại diện do các vị dân biểu, quyền lợi công cộng của quốc gia sẽ được các dân biểu phát biểu rõ ràng hơn chính nhân dân tự ý phát biểu.

Mặt khác, sự uỷ quyền quyền lực cho các vị dân biểu do nhân dân bầu cử cũng có thể có một kết quả tai hại. Những vị dân biểu có óc bè phái hoặc địa phương, nhờ những thủ đoạn khuất tất, nịnh hót, mua chuộc, được nhân dân bầu cử, nhưng sau khi đắc cử họ quay trở lại phản bội quyền lợi của nhân dân. Vấn đề của chúng ta là hãy xem xét trong những nước cộng hòa lớn và nhỏ, nước nào có nhiều điều kiện thuận tiện để tìm thấy những vị dân biểu chân chính ích quốc lợi dân. Chúng ta nhận thấy là các nước cộng hòa lớn có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc bầu cử dân biểu chân chính, vì hai lý do:
Lý do thứ nhất là, trong một nước cộng hòa, dù nhỏ như thế nào thì số dân biểu cũng phải khá nhiều để tránh nguy cơ một số ít kết tụ với nhau và giành quyền định đoạt, và trong một nước cộng hòa dù lớn thế nào thì số dân biểu cũng phải hạn chế, đừng có quá nhiều vì quá nhiều thì chỉ thêm hoang mang và hỗn độn. Như vậy, tại nước lớn cũng như nước nhỏ, số dân biểu cần phải cân xứng với số công dân. Thiếu sự cân xứng đó sẽ có một kết quả tai hại. Nếu số cử tri để bầu một dân biểu quá lớn thì dân biểu sẽ mất khả năng nhìn thấy rõ ràng quyền lợi địa phương hoặc quyền lợi của những nhóm nhỏ. Nhưng nếu chỉ định một số cử tri quá nhỏ để bầu một dân biểu thì e là dân biểu đó lại chỉ nhìn thấy quyền lợi của một nhóm cử tri nhỏ đó mà không thấy những quyền lợi rộng lớn hơn của toàn quốc. Hiến pháp liên bang về vấn đề này đã đưa ra một giải pháp rất thích hợp: quyền lợi lớn lao có tính chất toàn quốc được giao phó cho chính phủ trung ương liên bang, còn những quyền lợi địa phương thì được giao phó cho các chính thể tiểu bang.

Điểm khác nhau thứ hai giữa chính thể cộng hoà và chính thể dân chủ thuần tuý là uy quyền của Chính phủ trong chính thể cộng hòa bao trùm một số lớn công dân và một phạm vi rộng rãi của lãnh thổ. Ở điểm này, chúng ta nhận thấy là chính thể cộng hòa có những điều kiện thuận tiện để ngăn cản sự thống trị của bè phái khiến cho chúng ta đỡ phải lo ngại. Một xã hội càng nhỏ thì đảng phái tượng trưng cho quyền lợi khác nhau càng ít, và vì vậy dễ có đa số trong mỗi đảng. Đảng còn nhỏ thì số người trong đa số càng ít, tức là số đó dễ có cơ hội để thoả thuận cùng nhau và đè nén thiểu số. Nếu ta nới rộng phạm vi ra, nếu đảng càng lớn thì số người đó khó mà có những tình cảm giống nhau, những lý do giống nhau về những quản lý riêng rẽ giống nhau, và khó bề thỏa thuận cùng nhau, kết tụ cùng nhau để tăng thêm lực lượng chung. Trong một đa số lớn, nếu có những chuyện lén lút gian lận thì sự nghi kỵ lẫn nhau dễ có hơn và sự thỏa thuận để có một hành động chung rất khó xảy ra.
Như vậy, chúng ta nhận thấy là chính thể cộng hòa có nhiều lợi điểm hơn chính thể dân chủ thuần tuý để kiểm soát sự thống trị của đảng phái, và một cộng hòa lớn có nhiều lợi điểm hơn một cộng hòa nhỏ, một liên bang có nhiều lợi điểm hơn một tiểu bang, tức là một trong nhiều thành phần tụ hợp thành một liên bang. Lợi điểm đó có phải là vì dân chúng bầu cử dân biểu làm đại diện cho mình, cho nên dân biểu sẽ là những thành kiến địa phương thiển cận của dân chúng không? Vâng, tôi tin là các đại diện của dân chúng trong Chính phủ liên bang sẽ có được những quan niệm đứng đắn và ích lợi như vậy.

Lợi điểm thứ hai có phải là chúng ta sẽ có một nền an ninh vững chắc hơn vì trong một liên bang lớn sẽ có nhiều đảng phái khác nhau và không có đảng nào, một nhóm nào có thể lấn được tất cả các đảng phái khác, các nhóm khác và ức hiếp toàn thể không? Vâng, tôi tin là càng có nhiều đảng phái khác nhau, nhiều nhóm khác nhau trong liên bang thì nền an ninh của chúng ta lại càng tăng thêm. Phạm vi rộng lớn của liên bang sẽ là một chướng ngại vật để ngăn cản một đa số kết hợp cùng nhau để thực hành những điều khuất tất, nguy hại nhằm thu lợi riêng cho họ.

Lãnh tụ các đảng phái có thể gây ảnh hưởng rối loạn tại tiểu bang của họ nhưng không thể làm cho cuộc rối loạn đó lan rộng sang các tiểu bang khác. Một nhóm tôn giáo có thể tổ chức thành một đảng phái chính trị tại một địa phương trong liên bang nhưng tất cả các nhóm tôn giáo khác nhau ở toàn quốc sẽ dập tắt nguy cơ của nhóm tôn giáo địa phương kia. Những phong trào điên rồ hay tàn nhẫn có thể chớm nở tại một địa phương nhưng không thể lan tràn trên toàn lãnh thổ của liên bang, cũng như một bệnh hiểm nghèo có thể tàn phá một quận hay một tỉnh chứ không thể truyền nhiễm cả một nước được.

Trong phạm vi và trong hệ thống của liên bang, chúng ta đã tìm thấy một giải pháp cộng hòa để cứu chữa một căn bệnh thường vẫn xâu xé chính thể cộng hòa. Chúng ta càng sung sướng và kiêu hãnh bao nhiêu khi chúng ta tự nhận chúng ta là những người theo thuyết cộng hòa, thì chúng ta lại càng phải nhiệt thành ở thuyết liên bang và sốt sắng ủng hộ chính sách liên bang bấy nhiêu.

* bản dịch này từ cuốn “Luận về Hiến pháp Hoa Kỳ” - Việt Nam Khảo dịch xã, thông từ đây.

No comments:

Post a Comment